Những điều cần biết về phân đạm

30 Tháng Chín, 2023

Khái niệm về phân đạm: Phân đạm là từ chung, dùng để chỉ các loại phân có chứa nitơ. Căn cứ vào gốc chứa đạm mà phân thành 2 loại, loại chứa gốc amôn gọi là phân amôn và loại chứa gốc nitrat gọi là phân nitrat.

Các loại phân amôn:

  • Amôn sunfat (NH4)2SO4 – còn gọi là phân SA: có chứa 20-21%N và 23-24%S. Phân amôn sufat có thể làm chua đất, khắc phục bằng cách kết hợp với các loại phân lân kiềm như phân lân nung chảy hoặc bột phôtphorit. Là loại phân tốt vì có cả N và S, hai chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng. Có tác dụng nhanh đối với các loại cây trồng, cảnh giác khi bón cho cây con vì dễ bị cháy lá.
  • Amôn clorua (NH4Cl): chứa 24-25%N và 75%Cl-. Amôn clorua không được ưa chuộng vì: gây chua và để lại ion Cl- tồn dư trong đất. Cl- tích lũy nhiều có thể gây mặn và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh vật trong đất. Một số cây hạn chế sử dụng amôn clorua như: thuốc lá, thuốc lào, hành, tỏi, khoai tây, cà chua, cỏ chăn nuôi, cà rốt, đậu rau …
  • Diamôn phôphat (DAP): là loại phân phức chứa 2 yếu tố nitơ và phôtpho với tỷ lệ 18-20% N và 46-50%P2O5.
  • Urê [CO(NH2)2]: chứa 44-48% N ở dạng amin (NH2). Urê có thể dùng cho các loại cây trồng và các loại đất, thích hợp đất chua phèn. Urê có thể trộn được với phân lân Tômat hay Tômat sơlăc, phân lân nung chảy nhưng không nên giữ quá lâu.
  • Amôn bicacbônat (NH4HCO3): là loại phân kết tinh màu trắng có chứa 17,5%N, hòa tan trong nước dễ dàng và tạo phản ứng kiềm tạm thời, có thể khắc phục độ chua của đất nhưng khi gốc amôn được cây hút thì phản ứng trở lại trung tính.
  • Canxi xianamit (CaCN2): có 2 loại trắng và xám đen. Chứa 20-21% CN2 và 20-28% CaO. Canxi xianamit có tác dụng khử chua mạnh. Canxi xianamit có thể dùng bón thúc nếu được sử dụng trộn với đất 5-7 ngày trước lúc bón.

Các loại phân nitrat:

  • Natri nitrat (NaNO3): Phân đạm được sử dụng đầu tiên là natri nitrat, chứa 16% N và 25% Na2O và một ít vi lượng Bo. Nó thường được sử dụng làm phân phức có chứa Na và Bo có lợi cho cây lấy đường như mía, củ cải đường và các loại cây lấy củ như cà rốt, khoai tây, khoai lang …
  • Canxi nitrat [Ca(NO3)2]: chứa 15-15,5%N và 25%CaO. Canxi nitrat là loại phân kiềm mạnh nên rất có lợi cho vùng đất chua. Một tỷ lệ canxi nitrat trong phân phức sẽ là nguồn cung cấp canxi thích hợp cho cây trồng đất chua.
  • Canxi-magiê nitrat: 13-15%N và 8%MgO dễ tan. Loại phân này thường được sử dụng ở các loại đất thiếu magiê.
  • Amôn nitrat: (NH4NO3): Chứa 33-35%N ở cả 2 dạng NH4+ và NO3-. Dạng tinh thể, màu vàng xám, dễ chảy nước. Là phân sinh lý chua, thích hợp với cây trồng cạn như bắp, thuốc lá, bông, mía…
  • Phân kali nitrat (KNO3): Chứa 13%N và 44%K2O. Vì kali trong phân cao hơn N nên thường dùng như một loại phân kali.

Vai trò của phân đạm đối với cây trồng
Đạm là một nguyên tố quan trọng bật nhất trong các nguyên tố cấu tạo nên sự sống. Đạm có trong thành phần tất cả các protein đơn giản và phức tạp, mà nó là thành phần chính của màng tế bào thực vật, tham gia vào thành phần của axit Nucleic (tức ADN và ARN), có vai trò cực kỳ quan trọng trong trao đổi vật chất của các cơ quan thực vật. Đạm còn có trong thành phần của diệp lục tố, mà thiếu nó cây xanh không có khả năng quang hợp, có trong các hợp chất Alcaloid, các phecmen và trong nhiều vật chất quan trong khác của tế bào thực vật

Thiếu đạm cây có biểu hiện sinh trưởng còi cọc, lá toàn thân biến vàng. Thiếu đạm có nghĩa là thiếu vật chất cơ bản để hình thành tế bào nên khả năng sinh trưởng bị đình trệ, hàng loạt các quá trình sinh lý sinh hóa trong cây cũng bị ngưng trệ, diệp lục ít được hình thành nên làm lá chuyển vàng. Tuy nhiên nếu bón thừa đạm cũng không tốt. Thừa đạm sẽ làm cho cây không chuyển hóa hết được sang dạng hữu cơ, làm tích lũy nhiều dạng đạm vô cơ gây độc cho cây. Thừa đạm sẽ làm cho cây sinh trưởng thái quá, gây vóng. Các hợp chất cacbon phải huy động nhiều cho việc giải độc đạm nên không hình thành được các chất “xơ” nên làm cây yếu, các quá trình hình thành hoa quả bị đình trệ làm giảm hoặc không cho thu hoạch ….

Bón đạm quá mức thường gây ảnh hưởng xấu sau đây: cành lá phát triển mạnh nhưng ra hoa quả ít và muộn. Rễ phát triển ít mà nông. Phần trên mặt đất, cành lá rậm rạp, không cân đối với phần dưới mặt đất, cây dễ bị đổ… Cây lá rậm rạp, xanh non, ẩm độ cao, thiếu ánh sáng chiếu trực tiếp nên sâu bệnh phát triển nhiều hơn. Cành, thân, lá non mềm sâu bệnh dễ xâm nhập.

Những điểm cần lưu ý khi sử dụng phân đạm

  • Phân bốc nhanh, xanh lá, đẻ nhiều
  • Cần thiết cho cây trồng lấy lá
  • Đối với những cây có nhu cầu đạm nhiều, khi bón cần chia ra làm nhiều lần bón nhất là đối với chân đất chua, độ mùn trong đất kém, dung tích hấp thụ thấp… Cần bón đúng đặc tính và nhu cầu của cây, đất đai. Đối với các loại cây trồng cạn như: ngô, mía, bông v.v.. bón đạm nitrat là thích hợp, nhưng đối với lúa nước nên bón đạm clorua hoặc SA. Cây họ đậu thời gian đầu chưa có nốt sần vần bón phân đạm (20-30kg N/ha) tốt nhất là phân đạm trộn với phân chuồng hoai.
  • Phần lớn phân đạm và phân chua sinh lý, cần chú ý phối hợp với phân kiềm, tro hoặc vôi kẻo chua đất và hiệu lực kém.
  • Không bón khi trời sắp mưa, giông sẽ thất thoát do tràn bờ, rửa trôi. Nếu không tưới được, nắng hạn kéo dài cũng không bón đạm.
  • Bảo quản phân đạm chú ý không đổ ra nền, không tựa vào tường, phải để vào bao giấy tốt hoặc bao nilon, kê cao …
error: Content is protected !!